Thúc đẩy ngành cơ khí Việt Nam phát triển

Thúc đẩy ngành cơ khí Việt Nam phát triển

28/10/2019 Lượt xem: 2076

Phát biểu tại Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam tổ chức ngày 24-9 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng nhấn mạnh: Cơ khí là ngành công nghiệp then chốt, là nền tảng và động lực cho sự phát triển công nghiệp của quốc gia, góp phần chuyển dịch cơ cấu, nâng cao năng suất lao động...

Thúc đẩy ngành cơ khí Việt Nam phát triển

Chế tạo thiết bị cơ khí tại nhà máy của Công ty cổ phần Lilama 18.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành cơ khí Việt Nam còn nhiều hạn chế, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn từ phía doanh nghiệp (DN), hiệp hội, cũng như từ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách để tạo môi trường thuận lợi, huy động nguồn lực phát triển của ngành trong thời gian tới.

Chưa bảo vệ được thị trường trong nước

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh thừa nhận, ngành cơ khí phát triển chậm và còn nhiều hạn chế. Việt Nam chưa có DN cơ khí lớn mang tầm cỡ khu vực và quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt. Phần lớn DN cơ khí trong nước có quy mô nhỏ, trình độ kỹ thuật kém, thiếu máy móc hiện đại, chưa làm chủ được công nghệ lõi hoàn chỉnh trong lĩnh vực cơ khí. Do đó, sản phẩm cơ khí Việt Nam mới đáp ứng được khoảng 32% nhu cầu cơ khí trong nước và có rất ít thương hiệu có thể cạnh tranh trên thị trường. Có thể nói, nhiều phân ngành cơ khí quan trọng như thiết bị toàn bộ, máy động lực, máy nông nghiệp, cơ khí đóng tàu thủy, cơ khí xây dựng, ô-tô,… đều đạt kết quả thấp so với Chiến lược phát triển đã đề ra, nhất là trình độ cơ khí chế tạo (trụ cột của sản xuất công nghiệp) lạc hậu so với nhiều nước từ hai đến ba thế hệ dẫn đến hàm lượng giá trị gia tăng nội địa trong ngành cơ khí còn hạn chế...

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, ngoài việc xuất phát từ chính các DN, còn do công tác quản lý nhà nước chưa hiệu quả. Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn tới 2020 đã được Chính phủ ban hành từ năm 2002, được Bộ Chính trị phê duyệt tháng 10-2003, nhưng tới năm 2011, thậm chí đến năm 2014, nhiều chính sách mới được thực thi. Không những vậy, việc tổ chức thực hiện, triển khai những chính sách này cũng thiếu nhất quán. Chẳng hạn, đã có chính sách về tín dụng theo Chiến lược phát triển ngành cơ khí phê duyệt tại Quyết định số 186/2002/QÐ-TTg, nhưng ít DN được hưởng các ưu đãi này. Quan trọng hơn, chưa có các chính sách hữu hiệu để bảo vệ, tạo dựng thị trường cho DN cơ khí phát triển, nhất là trong các dự án mua sắm, đầu tư từ ngân sách. Thậm chí, tiêu chí đấu thầu đối với các dự án lớn sử dụng sản phẩm cơ khí trong nhiều trường hợp lại tạo lợi thế cho các DN nước ngoài thắng thầu; điều kiện đàm phán mua sắm máy móc, thiết bị cũng thường bất lợi cho DN trong nước. Ðồng thời, thiếu chế tài cụ thể đối với các chủ đầu tư không tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ trong việc sử dụng sản phẩm cơ khí trong nước.

Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam (VAMI) Ðào Phan Long cho rằng: Thị trường trong nước là “bệ đỡ” quan trọng để phát triển các ngành sản xuất, là “tài nguyên” của quốc gia. Hằng năm, Việt Nam nhập khẩu hàng chục tỷ USD trang thiết bị, máy, vật tư sản xuất cho thấy dư địa thị trường trong nước cho các ngành cơ khí khá tiềm năng. Nhiều năm qua, Việt Nam đã đầu tư những nguồn lực lớn để phát triển các dự án năng lượng, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản, xây dựng giao thông cầu đường, cảng biển, hệ thống thủy lợi,… Ðây cũng là thị trường rất quan trọng với ngành cơ khí. Thế nhưng, do chưa có những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ và khai thác hiệu quả thị trường này, cho nên phần lớn “miếng bánh” rơi vào DN nước ngoài.